Kỹ thuật úm gà

Thứ 6, 26/08/2016, 09:09 GMT+7

Công tác chuẩn bị

Đầu tiên, cần dọn sạch sẽ chuồng dùng làm chuồng úm. Rửa chuồng và các thiết bị bằng nước sạch. Các bề mặt có chất bẩn bám lâu ngày có thể ngâm vài ngày trước khi rửa. Phun thuốc sát trùng xung quanh chuồng trước 14 ngày trước khi bắt gà về úm.

um_ga_2

Úm gà là giai đoạn cực kỳ quan trọng trong chăn nuôi gà

Có thể úm gà trên lồng hoặc trên nền chuồng. Với úm trên lồng, người nuôi có thể sử dụng lồng kích cỡ 1x2x0,9 m để úm cho 100 con gà. Đáy lồng làm bằng sắt cỡ 1x1 cm, xung quanh chuồng dùng lưới sắt mắt cáo và tre quây kín. Với úm trên nền, chuồng úm nên đặt đầu hướng gió và cách biệt với các khu chăn nuôi khác; nên quây úm tại vị trí trung tâm để tránh gió lùa. Cần rải chất độn chuồng ít nhất 72 giờ trước khi thả gà con. Chất độn chuồng thường dùng là trấu khô, sạch, dày 7 - 10 cm, có thể dùng men vi sinh trộn với chất độn chuồng để hạn chế mùi hôi và phun thuốc sát trùng Formol 2%. Dùng cót cao 50 - 70 cm để quây gà (15 - 20 con/m2) và nới rộng cót theo thời gian sinh trưởng của gà.

Thiết kế hệ thống làm ấm: Ngày nay, người nuôi thường sử dụng bóng đèn hồng ngoại có công suất 100W để tạo nhiệt cho gà. Bóng hồng ngoại tập trung nguồn nhiệt ngay phía dưới bóng, hạn chế phân tán nhiệt so với bóng đèn tròn thông thường; đồng thời, bóng còn tạo ra tia hồng ngoại có tác dụng diệt khuẩn và kích thích xương phát triển tốt. Treo bóng cách mặt đất 50 - 60 cm, với mật độ 60 - 100 gà/bóng tùy theo mùa.

Chuẩn bị máng uống, máng ăn: Bố trí máng ăn, máng uống gần nhau và trải đều trong quây úm, mật độ thích hợp là 60 - 80 con/máng.

Chuẩn bị nước, thức ăn: Nước cho gà uống là nước sạch, đảm bảo các yêu cầu theo tiêu chuẩn quy định, thức ăn phù hợp cho từng tuần tuổi của gà. Đồng thời, chuẩn bị các thuốc bổ trợ, vitamin giúp tăng hiệu quả trong quá trình úm.

 

Qua trình chăm sóc, nuôi dưỡng

Khi mới bắt gà về, người nuôi cần kiểm tra sức khỏe và tình trạng đàn gà. Nên chọn mua gà tại những cơ sở đảm bảo chất lượng và uy tín. Gà phải có giấy kiểm dịch. Tiến hành thả gà từ từ vào khu vực quây úm và cho chúng phân bố gần máng ăn, máng uống. Khi gà mới bắt về không nên cho gà ăn luôn mà tiến hành pha thuốc bổ và vitamin vào nước cho gà uống để phục hồi sức khỏe.

Trong quá trình chăm sóc gà úm, cần lưu ý đến các yếu tố chính sau:

Nhiệt độ: Theo các nghiên cứu, nhiệt độ thích hợp cho gà trong giai đoạn từ 1 đến 4 tuần tuổi được thể hiện qua bảng sau:

Nhiệt độ thích hợp cho gà từ 1 đến 28 ngày tuổi

Tuần tuổi         Nhiệt độ thích hợp

Tuần thứ nhất               31 - 33(oC)

Tuần thứ hai      29 - 31(oC)

Tuần thứ ba       26 - 29(oC)

Tuần thứ tư        22 - 26(oC)

Lưu ý:  Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ trong chuồng úm và quan sát biểu hiện của đàn gà để điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp: nếu nhiệt độ thấp đàn gà sẽ nằm dồn lại bên dưới chụp sưởi, ít đi lại, ăn uống kém, kêu nhiều… Nếu nhiệt độ cao, đàn gà nằm tản ra xa chụp sưởi, sát vòng quây, cạnh máng uống, há mỏ để thở, gà uống nhiều, ăn ít… Ngoài ra, nếu gà tụm lại ở một phía trong quây là bị gió lùa cần che chắn hướng gió. Khi thấy gà tản đều, đi lại trong quây và ăn uống bình thường là nhiệt độ phù hợp.

Môi trường trong quây úm: Phải đảm bảo độ thông thoáng, ấm áp, hạn chế tối đa chất độc hại do mùi tạo ra. Nên sử dụng các chế phẩm sinh học trong chất độn chuồng để khử sạch mùi cho gà con.

 Ánh sáng: Duy trì hệ thống chiếu sáng để kích thích tính thèm ăn và tiêu hóa cho gà con cả ngày và đêm. Thời gian chiếu sáng phụ thuộc vào nhiều loại hình chuồng kín hay hở, mùa hè hay mùa đông. Nên tận dụng ánh sáng tự nhiên để chiếu sáng cho gà.

Thức ăn, nước uống: Khi mới bắt về nên cho gà uống trước khi cho ăn; cho uống và ăn theo 2 giờ/lần để kích thích tính thèm ăn cho gà; luôn luôn đảm bảo đầy đủ nước uống sạch; thường xuyên cọ rửa máng uống, máng ăn cho gà được sạch sẽ; điều chỉnh độ cao của máng uống cho gà được hợp lý. Thức ăn cho gà úm nên dùng thức ăn hỗn hợp dạng mảnh của các hãng sản xuất sẽ có hiệu quả hơn. Hoặc có thể phối trộn bằng thức ăn đậm đặc với các nguyên liệu sẵn có khác theo hướng dẫn. Cần sử dụng đúng chất lượng thức ăn theo tuổi gà và giống gà. Trong quá trình úm, cần thực hiện đầy đủ và đúng quy trình tiêm phòng vaccine cho gà để đạt hiệu quả tốt nhất.

Nguồn : Báo Người chăn nuôi

Chia sẻ:

Các tin khác

Để nâng cao năng lực bán hàng cho đội ngũ tiếp thị, vừa qua, IFA (Học viện lãnh đạo và tài chính) kết hợp cùng ZOETIS (Công ty hàng đầu trong lĩnh vực ...
Để nâng cao năng lực quản lý của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, vừa qua, Progressus (Công ty chuyên về phát triển kinh doanh trong ...
Trước tình hình thời tiết chuyển mùa, nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra. Nhằm mục đích hạn chế dịch bệnh, hạ giá thành, nâng cao năng xuất, chất lượng, ...